Có ai là người dân thành phố mà không có gốc gác ở quê? Ít lắm! Bởi vậy, mỗi người vẫn dành cho quê nhà một góc rộng lớn trong trái tim mình. Những cánh đồng rơm rạ thơm mùi lúa mới, những buổi mò cua bắt ốc với cái giỏ tre lủng lẳng bên hông vẫn hiển hiện trong nỗi nhớ như mới đây thôi. Các thầy cô giáo, nhiều người đã sống trọn tuổi thơ trong chốn ruộng đồng, các bậc phụ huynh cũng không ít người chỉ mong được có ngày nghỉ để đưa con về quê hít thở mùi lúa ngậm sữa thơm thơm, ngòn ngọt. Cuộc sống phố xá và tốc độ đô thị hóa vốn là mơ ước của nhiều người, nhưng cũng đã làm cho văn hóa dân gian bị phai nhạt ít nhiều. Ngày hội văn hóa dân gian hàng năm được tổ chức ở trường học chính là nhằm mục đích tái hiện và phát huy văn hóa dân gian trong tâm hồn của học sinh thời hiện đại và cũng là một dịp để thầy trò được sống trong không khí thân tình, ấm áp.
Một tuần háo hức chờ đợi, ráo riết chuẩn bị, cuối cùng thì Ngày hội dân gian năm 2012 cũng đã tới với thầy trò trường THCS Nguyễn Huệ vào sáng ngày 24/3/2012. Dù đây là lần thứ hai trường tổ chức ngày hội này, nhưng tôi vẫn thực sự bất ngờ trước qui mô của nó. Sau lời khai mạc ngắn gọn và sâu sắc của thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Ân, ngày hội đã bắt đầu.
Tôi đi một vòng quanh các trại và không hết ngạc nhiên trước tài năng của các em học sinh. Tất cả vật liệu trang trí đều có chất liệu và hình thức đậm chất dân dã nhưng lại được bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng của các em cách điệu trở nên bay bổng và ngộ nghĩnh hơn. Những chiếc chuông gió bằng nón, bằng gáo dừa, ống trúc, rồi những bóng đèn bằng giỏ tre, những chiếc mẹt, chiếc quạt được dùng để viết tên chi đội bằng lối thư pháp thật mềm mại và độc đáo.
Hồn quê đã được tái hiện giữa phố thị. Tôi như được trở lại thuở bé theo mẹ đi chợ. Với hơn hai mươi món ăn truyền thống được bày bàn, các em học sinh đã tạo nên một không gian ẩm thực dân gian thật hấp dẫn. Món ngon của ba miền đều có mặt với cách bày biện và mùi vị khiến cho cái bụng khó tính đến mấy cũng phải đòi ăn. Chỗ này là quán Năm Nồi với mấy anh chủ quán mặc bà ba thoăn thoắt bưng đồ ăn, miệng chào mời đon đả, chỗ kia là quán bánh cuốn, bánh đúc với cô bán hàng mặc áo tứ thân miệng nói ngọt như mía lùi, rồi bánh bèo, bánh nậm, mít trộn...
Ôi! Những học sinh thường ngày quậy thế mà giờ đây bán hàng, chào khách cứ dẻo quẹo. Mấy học trò tinh nghịch của 9/3, 9/4 còn lập hẳn một nhóm chèo kéo khách từ ngoài xa vào tận quán của mình. Tất cả đều quên đi mình là ai, chỉ còn sống hồn nhiên, hết mình trong không khí dân dã này và khoảng cách thầy trò đã rút ngắn lại rất nhiều.
Cùng lúc khai trương các gian hàng ẩm thực là khai mạc cuộc thi Tiếng hát dân ca, Vẽ tranh dân gian và các trò chơi thể thao như kéo co, đẩy gậy, kẹp bóng, đổ nước vào chai...Không khí sân trường nóng lên dần khi những tiếng reo hò vang lên. Những khúc dân ca hàng ngày các em ít nghe, nhưng trong không gian này, nó bỗng trở nên hay hơn và thật thấm thía. Tiết mục Hò kéo lưới của lớp 9/8 đã khiến khán giả không thể đứng yên, các em reo hò, nhún nhảy theo bạn và hét vang vui sướng.
Cuộc thi Rung chuông vàng dù diễn ra giữa trời nắng nhưng điều đó vẫn chưa bằng độ căng thẳng và hấp dẫn của cuộc thi khi chỉ còn duy nhất thí sinh Linh Đa của lớp 9/7 vào vòng cuối. Những câu hỏi về các anh hùng dân tộc đã khơi dậy lòng tự hào của các em và chứng tỏ khả năng nắm bắt kiến thức lịch sử rất tốt.
Vào giữa trưa, lúc các lớp đang tạm nghỉ, bỗng tiếng nhạc khiêu vũ vang lên. Sau tiếng gọi của cô Tổng phụ trách, lập tức học sinh bị cuốn theo tiếng nhạc, điệu nhảy tưng bừng. Chưa bao giờ tôi thấy sân trường có một màn trình diễn tự do bất ngờ mà sôi động như vậy. Dưới sự khuấy động tài tình của cô Thùy Loan và Chi đoàn giáo viên, cả sân trường hàng ngàn học sinh đã hòa quyện vào nhau trong những điệu vũ rộn ràng. Giây phút đó, những căng thẳng, mệt nhọc, lo lắng đều tan biến hết.
Trong không khí trẻ trung, tươi mới đó, lễ kết nạp Đoàn đã diễn ra lọng trọng và xúc động. Các phần của ngày hội đã tiếp nối nhau một cách chặt chẽ khiến cho những đoàn viên TNCS thấy mình trở nên quan trọng hơn và ý thức được trách nhiệm với non sông đất nước sao cho xứng đáng với thế hệ trước:
Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay
" Ngày vui ngắn chẳng tày gang", ngày hội dân gian đã kết thúc nhưng dư âm còn ngân nga mãi trong lòng. Những điệu lý, câu ca đã đi vào tâm hồn trẻ thơ để khơi dậy và giữ gìn cái gốc của hồn quê đất Việt trong tâm hồn mỗi người như nhà thơ Nguyễn Minh Khiêm đã viết:
Hồn như hạt cải, hạt kê
Gieo đi trăm ngả lại về làng xanh.